Thủ tục điều kiện, vay vốn ngân hàng cho người lao động nghèo muốn đi xuất khẩu lao động Đài Loan 2015 ?
Theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg .Trường hợp người lao động muốn vay vốn, Cục Quản lý lao động ngoài nước và ngân hàng sẽ thẩm định (thông qua hồ sơ do các công ty xuất khẩu lao động gửi tới nếu bạn trúng tuyển), cho vay tối đa theo mức chi phí tại thị trường mà người lao động sẽ tham gia.
Thủ tục điều kiện, vay vốn ngân hàng cho người lao động nghèo muốn đi xuất khẩu lao động Đài Loan 2015
Thủ tục điều kiện, vay vốn ngân hàng cho người lao động nghèo muốn đi xuất khẩu lao động Đài Loan 2015
Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng có văn bản hướng dẫn hỗ trợ xuất khẩu lao động thêm 9 tỉnh thành khác. Theo đó, lao động là thân nhân chủ yếu của người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số… thuộc chín tỉnh nằm trong dự án (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và Hậu Giang) có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ các chi phí ban đầu (dự án này không bao gồm người lao động thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg).
Các chi phí hỗ trợ bao gồm: chi phí học nghề ngắn hạn; chi phí học ngoại ngữ; chi phí bồi dưỡng cần thiết; tiền ăn hằng ngày trong thời gian theo học và tiền đi lại. Ngoài ra, các chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp cũng được hỗ trợ.
Lưu ý là người lao động chỉ được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ. Trường hợp chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ thì học viên sẽ đóng góp hoặc ngân sách địa phương xem xét bổ sung.
Nếu bạn thuộc các đối tượng trên thì mọi hỗ trợ sẽ được thực hiện như chính sách. Bạn có thể liên hệ các công ty xuất khẩu lao động uy tín hoặc hỏi tại sở LĐ-TB&XH nơi bạn cư ngụ để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết.
Các điều kiện để được đi xuất khẩu lao động Đài Loan : không bệnh tật, đủ sức khỏe, không tiền án, tiền sự, tuổi từ 18 – 30 (có một số trường hợp đến 35 tuổi), tốt nghiệp cấp III trở lê … Các thủ tục vay vốn sẽ được công ty hỗ trợ.
tại đây : Tuyển dụng xuất khẩu lao động đài loan 2015
Thông tin cụ thể về Quyết định 71/2009/QĐ-TTg
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020
________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững.
2. Chỉ tiêu
– Giai đoạn 2009 – 2010: thực hiện thí điểm đưa 10 nghìn lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm sẽ đưa khoảng 5.000 lao động), trong đó: khoảng 80% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; khoảng 70% lao động qua đào tạo nghề; góp phần giảm 8.000 hộ nghèo (giảm 2,8% số hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo).
– Giai đoạn 2011 – 2015: đưa 50 nghìn lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm sẽ đưa được khoảng 10.000 lao động), trong đó: khoảng 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; khoảng 80% lao động qua đào tạo nghề; góp phần giảm 45.000 hộ nghèo (giảm 15,6% số hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo).
– Giai đoạn 2016 – 2020: tăng 15% tổng số người đi làm việc ở nước ngoài so với giai đoạn 2011 – 2015, trong đó khoảng 95% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, góp phần giảm khoảng 19% số hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo.
II. ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN
Là người lao động cư trú dài hạn tại 61 huyện nghèo; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu.
III. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Các chính sách đối với người lao động
a) Hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ văn hóa để tham gia xuất khẩu lao động.
– Đối tượng: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa từ bậc tiểu học trở lên đã được lựa chọn để tham gia xuất khẩu lao động nhưng trình độ văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải bổ túc thêm về văn hóa.
– Thời gian học: tối đa không quá 12 tháng.
– Nội dung chính sách:
+ Hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết;
+ Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học, tiền tàu xe và trang cấp ban đầu như chế độ áp dụng đối với học sinh trong các trường phổ thông dân tộc nội trú.
– Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ chế thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tạo nguồn lao động theo đối tượng của Đề án, bảo đảm có đủ trình độ văn hóa theo yêu cầu xuất khẩu lao động; quyết định số lượng và danh sách lao động được hỗ trợ học văn hóa để bảo đảm có đủ số lượng tham gia xuất khẩu lao động theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện nghèo; giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nghèo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc dạy văn hóa cho người lao động theo quy định.
– Nguồn kinh phí: ngân sách trung ương.
– Cơ chế tài chính: ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
b) Hỗ trợ người lao động học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, viza và lý lịch tư pháp để tham gia xuất khẩu lao động.
– Đối tượng: người lao động được lựa chọn học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tham gia xuất khẩu lao động theo quy định của Đề án.
– Thời gian học: căn cứ vào nghề đào tạo và yêu cầu của thị trường xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quy định cụ thể thời gian học, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Sau các khóa học, người lao động được cấp chứng chỉ công nhận trình độ tay nghề và chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định.
– Nội dung chính sách:
+ Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số;
+ Hỗ trợ 50% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo;
+ Riêng người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm:
. Tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 40.000đ/người/ngày;
. Tiền ở với mức 200.000đ/người/tháng;
. Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động (quần áo đồng phục, chăn màn, giày dép …) với mức 400.000đ/người;
. Tiền tàu, xe (cả đi và về) 01 lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo; mức hỗ trợ theo giá cước của phương tiện vận tải hành khác thông thường tại thời điểm thanh toán;
. Chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các mức quy định về phí làm hộ chiếu, phí visa, phí khám sức khỏe, lệ phí làm lý lịch tư pháp.
– Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ chế thực hiện: cơ quan chủ trì lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia Đề án; thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.
– Nguồn kinh phí: ngân sách trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
– Cơ chế tài chính: ngân sách trung ương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
c) Hỗ trợ rủi ro
– Đối tượng: người lao động thuộc đối tượng của đề án khi tham gia xuất khẩu lao động gặp rủi ro.
– Nội dung:
+ Được hỗ trợ rủi ro theo quy định tại mục 3 khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước;
+ Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 12 tháng phải về nước thì được hỗ trợ bằng một lượt vé máy bay khi gặp phải một trong các lý do: (i) vì sức khỏe không phù hợp với yêu cầu công việc, (ii) vì chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên người lao động bị mất việc làm, (iii) vì chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
– Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính;
– Nguồn kinh phí: Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
– Cơ chế thực hiện: theo cơ chế của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
2. Chính sách tín dụng ưu đãi
a) Tín dụng ưu đãi đối với người lao động
– Đối tượng: người lao động thuộc huyện nghèo đã được tuyển chọn, có nhu cầu vay vốn để đi xuất khẩu lao động.
– Mức vay: theo nhu cầu, tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường.
– Lãi suất:
+ Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động;
+ Các đối tượng còn lại của các huyện nghèo được vay với lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.
– Cơ quan chủ trì: Ngân hàng Chính sách Xã hội.
– Nguồn vốn: ngân sách nhà nước chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội theo kế hoạch xuất khẩu lao động của các địa phương.
– Cơ chế thực hiện: Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức trần cho vay theo từng thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia Đề án xác nhận số tiền người lao động phải đóng góp khi đi làm việc ở nước ngoài; thời hạn vay vốn tối đa bằng thời gian của hợp đồng lao động; Ngân hàng Chính sách Xã hội căn cứ xác nhận của doanh nghiệp và đơn đề nghị vay vốn của người lao động để quyết định số tiền cho vay, thời hạn vay và những điều kiện khác theo quy định hiện hành.
b) Tín dụng ưu đãi đối với cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu
– Đối tượng: cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia Đề án (do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn).
– Nội dung: vay vốn để đầu tư tăng quy mô phòng học, ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề, phương tiện dạy học phục vụ đào tạo lao động xuất khẩu.
– Mức vay, lãi suất vay, điều kiện, thủ tục vay thực hiện theo cơ chế cho vay ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.
– Cơ quan thực hiện: Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
– Nguồn vốn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
– Cơ chế thực hiện: theo cơ chế vay ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
3. Các hoạt động
a) Hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực, nhận thức về xuất khẩu lao động
– Mục tiêu: nâng cao năng lực hoạt động xuất khẩu lao động cho cán bộ địa phương; nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin đến các cấp chính quyền địa phương và người dân về cơ chế, chính sách, hiệu quả của xuất khẩu lao động.
– Nội dung:
+ Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xuất khẩu lao động cho cán bộ địa phương, tuyên truyền viên cơ sở;
+ Tổ chức các hoạt động điều tra về nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động và nhu cầu việc làm sau xuất khẩu lao động;
+ Tuyên truyền, thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ, về điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động ở các thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chuyên mục “Thanh niên với việc tham gia xuất khẩu lao động” bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc phát trên sóng phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Tuyên truyền về những gương lao động tiêu biểu và những điển hình tốt trong tổ chức thực hiện Đề án; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong hoạt động xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang Website của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh.
b) Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước
– Mục tiêu: giúp người lao động đã hoàn thành hợp đồng lao động về nước tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm; hướng dẫn người lao động và gia đình họ sử dụng hiệu quả nguồn thu từ xuất khẩu lao động.
– Nội dung:
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quá trình thực hiện Đề án;
+ Tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi và tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
+ Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động và gia đình họ sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu lao động đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp.
– Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan phối hợp: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008.
c) Hoạt động giám sát, đánh giá
– Mục tiêu: bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, chỉ tiêu và đối tượng của Đề án.
– Nội dung: giám sát, đánh giá thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án:
+ Các cơ quan đơn vị tham gia Đề án tự giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
+ Hợp đồng giám sát, đánh giá với các cơ quan tư vấn độc lập.
– Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008.
d) Kinh phí và cơ chế tài chính thực hiện các hoạt động
– Nguồn kinh phí: ngân sách nhà nước.
– Cơ chế tài chính:
+ Các hoạt động tại Trung ương: ngân sách trung ương bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành;
+ Các hoạt động tại địa phương: ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 4.715 tỷ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ người lao động là 1.542 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi là 3.173 tỷ đồng.
V. THỜI GIAN THỰC HIỆN: từ năm 2009 đến năm 2020
– Giai đoạn 2009 – 2010: thực hiện thí điểm các chính sách, hoạt động của đề án; sơ kết rút kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách, mô hình, quy trình, cơ chế vận hành chính sách hỗ trợ người lao động các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động.
– Giai đoạn 2011 – 2015: điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện để thực hiện đầy đủ các chính sách, hoạt động của đề án; mở rộng quy mô, tăng đối tượng lao động các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động.
– Giai đoạn 2016 – 2020: nâng cao chất lượng lao động, tăng tỷ trọng lao động các huyện nghèo đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
– Là cơ quan thường trực Đề án, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, hướng dẫn thành lập và chỉ đạo nghiệp vụ các Tiểu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện.
– Chủ trì, điều phối thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án; xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện Đề án, bao gồm: kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ đưa vào kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án.
– Xây dựng tiêu chí và tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các cơ sở sự nghiệp theo tiêu chí để tham gia Đề án; lựa chọn những hợp đồng và những thị trường phù hợp, có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, ổn định để đưa lao động đến làm việc; thẩm định, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các hợp đồng theo Đề án; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và rủi ro cho người lao động.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm
– Bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2009 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
– Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, hoạt động trong Đề án; tổ chức thẩm định giá các hợp đồng đặt hàng dịch vụ công; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm
Nghiên cứu xây dựng chương trình, tài liệu bổ túc kiến thức văn hóa phù hợp với đặc thù của người nghèo, người dân tộc thiểu số. Chỉ đạo các cơ quan giáo dục địa phương tổ chức các khóa bổ túc văn hóa cho người lao động để tham gia xuất khẩu lao động.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:
Hướng dẫn các cơ chế, chính sách liên quan; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án theo chức năng và thẩm quyền.
5. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm:
– Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề tham gia thực hiện Đề án; thực hiện các chính sách hỗ trợ và chính sách tín dụng ưu đãi của Đề án đối với người lao động theo đúng trình tự và quy định hiện hành.
– Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 có trách nhiệm
– Thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tiểu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động cấp huyện.
– Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tại địa phương trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Nghiên cứu, ban hành và thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ bổ sung của địa phương cho người lao động.
7. Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị – xã hội chỉ đạo các cấp cơ sở phối hợp với các Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án ở địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Home
»
hoi dap xuat khau lao dong dai loan
» Vay vốn ngân hàng cho người lao động nghèo muốn đi xuất khẩu lao động Đài Loan?