Vừa qua tại Tokyo (Nhật Bản), Trường Đại học Việt Nhật đã tổ chức Hội thảo giữa kỳ Dự án nghiên cứu tiền khả thi Trường Đại học Việt Nhật (ĐHVN) với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản vào dự án Trường ĐH Việt Nhật.
Hội thảo có sự tham gia phối hợp tổ chức bởi Công ty EY Shinnihon Sustainability, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), JETRO, Liên đoàn kinh doanh Nhật Bản (Keidanren), Hiệp hội kinh doanh Nhật Bản.
Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các trường đại học đối tác Nhật Bản, JICA, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Liên minh hữu nghị nghị sĩ Nhật Việt...
Ở phần đầu của Hội thảo, để giúp doanh nghiệp Nhật Bản có thêm hiểu biết về Trường ĐHVN, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo, đã có bài trình bày giới thiệu những nét cơ bản về Trường ĐHVN như bối cảnh thành lập, quan điểm phát triển, định hướng đào tạo và lộ trình phát triển.
Trường ĐHVN hướng tới là một Trường đại học hàng đầu về chất lượng đào tạo, một trung tâm nghiên cứu uy tín, học viên tốt nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia phát triển trong khu vực.
Các chương trình đào tạo (CTĐT) của Trường ĐHVN trong giai đoạn đầu tiên xây dựng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trên cơ sở đào tạo đa ngành, bao gồm cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội.
Qua đó, Trường ĐHVN đang chuẩn bị điều kiện để khai giảng 6 Chương trình đào tạo thạc sĩ vào tháng 9/2016. Việc đào tạo trình độ cử nhân và tiến sĩ sẽ được tiến hành trong các năm sau đó. Trường ĐHVN kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ trường trong việc tài trợ học bổng cho sinh viên ưu tú, tiếp nhận sinh viên ưu tú thực tập và hỗ trợ sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp …
Để thúc đẩy xúc tiến các mô hình hợp tác giữa Trường Đại học và khối doanh nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Vũ Anh Dũng đã trình bày, phân tích và nêu định hướng và kỳ vọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam thông qua việc đã đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực và những điểm chưa hợp lý của hệ thống đào tạo đại học của Việt Nam hiện nay.
Điều đó cho thấy có một khoảng cách giữa năng lực đào tạo và nhu cầu nhân lực của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu về nhân lực chất lượng cao tập trung vào các ngành nghề trong đó là các ngành nghề mũi nhọn tạo động lực cho phát triển của Việt Nam và khu vực trong thời gian tới.
Ngoài ra, do Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam và với việc ký kết hiệp định TPP gần đây thì làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam vì nhu cầu nhân lực, và đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá mà kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đặt ra.
Phó Hiệu trưởng Vũ Anh Dũng cũng phân tích lợi ích của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời cũng đưa ra các mô hình hợp tác giữa Trường ĐHVN và doanh nghiệp Nhật Bản thông qua thực tiễn điển hình ở Việt Nam.
Kế hoạch phát triển Trường Đại học Việt Nhật được trình bày bởi Ông Kanzaki, đại diện Công ty EY Shinnihon Sustainability và là Trưởng nhóm nghiên cứu tiền khả thi phía Nhật Bản dự án Trường ĐHVN. Các nội dung được đề cập, bao gồm: phương hướng phát triển, đặc trưng đào tạo của Trường ĐHVN, phân tích nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Trường ĐHVN. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn Trường ĐHVN đào tạo được nhân lực là những cá nhân chính trực, vững về kiến thức, không ngại đổ mồ hôi, chăm chỉ… Thêm vào đó là năng lực lãnh đạo, khả năng điều phối, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
Để giúp doanh nghiệp có hiểu hơn về các CTĐT thạc sĩ của Trường ĐHVN, GS. Fukushi, Đại học Tokyo và GS. Wilson, Đại học Osaka đã có bài giới thiệu về CTĐT thạc sĩ Kĩ thuật môi trường và Công nghệ Nano. Các bài trình bày đã nêu bật mục đích, nội dung và phương châm đào tạo, triển vọng nghề nghiệp cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, Hội thảo cũng đã tập trung nội dung vào kinh nghiệm của doanh nghiệp Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Trường ĐHVN, đại diện 3 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thuyết trình gồm: Ông Murayama - Ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ, Chi nhánh Hà Nội và Ông Goto - Giám đốc bộ phận bán hàng, Cty Fujidenki đã có bài trình bày với tư cách doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản; Bà Hiroko Oosumi - Trưởng phòng tổng hợp Công ty Hiyoshi có bài trình bày với tư cách doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về xu thế đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, Ông Murayama - Ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ, Chi nhánh Hà Nội cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn cả chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, nhân lực Việt Nam chủ yếu đảm nhận công việc lắp ráp đơn giản nhưng doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn trong tương lai Việt Nam có nhiều nhân lực chất lượng cao để doanh nghiệp có thể tiến hành triển khai R&D ngay tại Việt Nam. Ông Murayama cho rằng Trường ĐHVN mang lại cơ hội lớn cho các bạn trẻ Việt Nam: “Bây giờ, các bạn không phải trả học phí cao lắm, không cần đi nước ngoài vẫn có thể học được kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, tinh thần tự chủ trong công việc… Đây quả thực là một điều rất hấp dẫn”. Về vai trò của phát triển nguồn nhân lực.
Theo ông Murayama, cải tiến sản xuất, bán hàng rất quan trọng nhưng nhanh nhất vẫn là đầu tư vào nhân lực - nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ nhanh chóng dẫn đến kinh doanh có lãi.
Từ kinh nghiệm của công ty trong phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, ông Goto - Giám đốc bộ phận bán hàng, Cty Fujidenki đã thẳng thắn chỉ những điểm mà phát triển nhân sự của Việt Nam cần cải thiện như về khó khăn trong việc giữ những người giỏi để đào tạo thành nhân sự lâu dài cho công ty, định hướng trước mắt và định hướng lâu dài gắn với quyền lợi của nhân sự, việc giải quyết các vấn đề tại chỗ so với việc quan tâm đến cốt lõi của vấn đề, tác phong trong công việc...
Về kỳ vọng với Trường ĐHVN, ông Goto mong muốn Trường ĐHVN sẽ chú trọng đào tạo nhân lực là có thể làm việc trong môi trường quốc tế; có quan điểm trung và dài hạn, và hiểu rõ văn hóa, suy nghĩ, tư cách, động thái hoạt động trong doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây là những phẩm chất mà ông Goto cho là nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ dễ dàng được tiếp nhận tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Về định hướng phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản, ông cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu thế sở tại hóa nhân sự tại đất nước đó.
Về hợp tác với Trường ĐHVN, Bà Hiroko Oosumi đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu các cơ hội hợp tác thông qua trường hợp cụ thể của công ty Hiyoshi trong lĩnh vực môi trường có thể cung cấp các nội dung như đào tạo phân tích chất lượng nước, giải quyết vấn đề chất độc dioxin tại Việt Nam, cung cấp mẫu thử, phương pháp thử dioxin tại Việt Nam, đào tạo nhân lực liên quan đến các lĩnh vực này. Bà cũng bày tỏ công ty hy vọng có thể cung cấp kiến thức bảo vệ môi trường ngay tại nước sở tại như Việt Nam.
Phần hỏi đáp giữa Trường Đại học Việt Nhật với các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm, trao đổi, thảo luận. Nhiều vấn đề về hợp tác với doanh nghiệp, chương trình đào tạo, ngôn ngữ đào tạo, sự tham gia của các nhà quản lý doanh nghiệp với vai trò giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội… được các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và trao đổi tại hội thảo.
Hội thảo giữa kỳ Dự án nghiên cứu tiền khả thi Trường Đại học Việt Nhật (ĐHVN) đã đón nhận sự tham gia đông đảo và quan tâm lớn cũng như kỳ vọng lớn của khối doanh nghiệp Nhật Bản đối với Trường ĐHVN. Hội thảo cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh về một trường đại học ở Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Đây là cách làm mới mà một trường Đại học ở Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chuỗi hội thảo xúc tiến tại nước ngoài với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân quốc tế trong việc xây dựng và phát triển trường.
(Nguồn: Dân trí)