Là một trong những quốc gia có nền kinh tế khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới nhưng Nhật Bản lại đang phải đối mặt với những thách thức về vấn đề lão hóa dân số, thiếu lực lượng lao động. Bài toán khó này đã được chính người già của nước này giải quyết khi tiếp tục lao động dù đã về hưu.
Là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới (83 tuổi) và tỷ lệ sinh thấp nhất - với 1,4 trẻ/phụ nữ, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ở xứ sở Hoa anh đào đã diễn ra gần 20 năm qua. Với 25% dân số Nhật Bản đang trong độ tuổi 65 trở lên và con số sẽ tăng lên 40% trong nửa thế kỷ nữa, việc người dân sẵn sàng kéo dài thời gian làm việc trước khi nghỉ hưu là rất cần thiết để giải quyết tình trạng nhóm người trong độ tuổi lao động đang ngày càng co hẹp phải "gánh" nhóm người già đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và tuổi thọ. Đây có thể xem là một giải pháp hữu hiệu để Nhật Bản đối phó với tình trạng lão hóa dân số trong bối cảnh không có nguồn lao động nhập cư như nhiều nước phát triển khác. Nhật Bản đã tăng độ tuổi nhận lương hưu lên 65 tuổi và động viên các nhân viên ở lại làm việc lâu hơn, đồng thời, tích cực thuê những người đã nghỉ hưu.
Hơn nữa, với nhiều người già ở Nhật Bản, công việc không phải là gánh nặng mà ngược lại là niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống. Sau Thế chiến thứ hai, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp hóa, xã hội Nhật Bản đã dần thay đổi theo hướng đề cao giá trị cuộc sống cá nhân và cùng với đó là tính độc lập trong sinh hoạt. Thay vì quần tụ nhiều thế hệ, các gia đình Nhật Bản thường có xu hướng sống tách biệt và người cao tuổi tìm niềm vui sống và tiền sinh hoạt từ công việc. Không sống dựa vào tiền lương hưu và con cháu, nhiều người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội. Bên cạnh thói quen độc lập, lao động giúp người già tránh xa bệnh tật và nguy cơ lão hóa.
Ông Mikami Hitoshi, Chủ tịch danh dự cửa hàng bán đồ ăn Ishii là một ví dụ điển hình cho tinh thần làm việc không tuổi tác. Tuy đã 70 tuổi, nhưng hằng ngày, từ sáng sớm ông M.Hitoshi đã rời khỏi nhà ở tỉnh Chiba và lái xe ô tô vượt qua quãng đường dài hơn 100km để đến khu Asakusa ở thủ đô Tokyo. Công việc chính của ông là đốc thúc nhân viên và hỗ trợ bán hàng khi cửa hàng quá đông khách. Vị Chủ tịch danh dự đã ở tuổi thất thập cổ lai hy chia sẻ: "Tôi thích công việc này lắm. Mặc dù tôi đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng khi nào cửa hàng đông khách thì tôi vẫn ra đây để giúp đỡ mọi người". Ở Nhật Bản có thể dễ dàng bắt gặp những lao động cao tuổi như ông Hitoshi. Họ làm bất cứ công việc gì, từ thiết kế thời trang cho đến bán hàng, cảnh báo khách bộ hành tại những chỗ đang sửa đường… Cũng chính nhờ họ, Chính phủ Nhật Bản đã không gặp khó khăn như một số chính phủ ở Châu Âu trong việc thuyết phục người dân đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 tuổi, để tận dụng nguồn lao động cao tuổi và đối phó với tình trạng lão hóa dân số. Trước khi có quy định chính thức về nâng độ tuổi lao động, một bộ phận lớn người cao tuổi Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đóng góp tích cực cho xã hội qua những công việc làm hằng ngày. Với họ, cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu lao động.
(Nguồn: Dân trí)