Tại sao nói xuất khẩu lao động Nhật Bản là “miền đất hứa” cho lao động Việt Nam? Không chỉ có thu nhập cao, lao động Việt tại Nhật Bản còn học được những kỹ năng mềm từ môi trường sống và phong cách làm việc có tính kỷ luật nghiêm ngặt của một nước tiên tiến.
* Xuất khẩu lao động ở Nhật Bản: không phải dễ!
Thu nhập vài chục triệu đồng/tháng là điều không khó tại đất nước Nhật Bản đối với những lao động Việt kiên trì, không ngại khó. Tuy nhiên, để bước qua “cánh cửa hẹp” vào đất Nhật kiếm sống không phải chuyện dễ.Những bạn trẻ không chỉ có tay nghề, sức khỏe mà cần phải học ngôn ngữ Nhật, lòng nhẫn nại, ý chí và cả tiền (hàng trăm triệu đồng thế chấp và ký quỹ) mới có thể chen chân lao động Nhật Bản. Và phần thưởng dành cho người kiên trì, ngoài thu nhập cao, một cuộc sống tốt còn có thêm những kỹ năng sống, như: tính kỷ luật, đúng giờ, thông thạo thêm một ngoại ngữ, tay nghề vững vàng hơn khi trở về quê hương…
Theo ông Mai Hoàng Nhân – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Bến Tre, Bến Tre đưa lao động sang thị trường Nhật từ khoảng 20 năm nay. Từ đó đến nay, Nhật Bản vẫn là một thị trường quen thuộc xem như “mối” lâu năm của người lao động tỉnh nhà. Và ngược lại, lao động Bến Tre cũng dần xây dựng được một “thương hiệu” có uy tín trong lòng nước bạn vì sự nghiêm túc, cần cù, nhạy bén và chịu khó của mình.
Một số khó khăn lớn của lao động Việt sang Nhật, là: chi phí xuất khẩu lao động cao, tiếng Nhật tương đối khó học, kỹ năng trả lời phỏng vấn chưa đáp ứng nhu cầu của phía tuyển dụng, chỉ tiêu đi Nhật rất thấp. Thời gian để lao động Việt trải qua quy trình tuyển dụng nhanh nhất là 8 tháng, người suôn sẻ cũng mất một năm, thường gặp nhất là 2-3 năm. Do đó, ứng viên phải thật kiên trì.
Với nhiều năm làm công tác tư vấn cho lao động Bến Tre sang Nhật, Trung tâm Giới thiệu việc làm đóng vai trò như chiếc cầu nối. 3 năm qua, Trung tâm GTVL đã tư vấn cho rất nhiều lao động Bến Tre, nhưng chỉ có 186 người trúng tuyển sang Nhật. Cụ thể: năm 2011 là 51 người, 2012 có 90 người và 2013 là 45 người. Hàng năm, Trung tâm tiếp khá nhiều nghiệp đoàn đến từ Nhật, họ là những đầu mối tìm lao động. Tuy nhiên, năm 2013 số đơn hàng (công ty Nhật tuyển) cũng như số nghiệp đoàn đến Bến Tre có giảm so những năm trước.
Sau khi trải qua nhiều vòng sơ tuyển, chủ công ty Nhật bay sang Việt Nam và trực tiếp tuyển dụng lao động. Thông thường, nếu đơn hàng cần là 5 người thì họ phỏng vấn khoảng 15 người. Xác xuất được chọn chỉ 30%. Trong quá trình phỏng vấn, họ còn hỏi kỹ về ý chí, nghị lực của người lao động. Và sau đó, chủ công ty đến tận nhà của người lao động tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người mà họ tuyển được. Trong hồ sơ của người lao động Việt luôn có một tấm ảnh gia đình chụp chung là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, người lao động Việt tại Nhật không có điều kiện sa vào các tệ nạn vì phía Nhật đào tạo người lao động rất tốt, cuộc sống luôn có tổ chức, kỷ luật.
* Cơ hội cho người trẻ
Được biết, mỗi lao động xuất khẩu sang Nhật có thời hạn 3 năm, thu nhập của công nhân khoảng 500USD/tháng và tăng theo từng năm. Nếu có tăng ca, mức lương lên đến hơn 1.000USD/tháng. Điều kiện ăn ở rất tốt, với đầy đủ tiện nghi như trang bị hầu hết vật dụng từ nhà ở đến tủ lạnh, máy giặt, lò sưởi, bếp, nồi xoong và xe đưa rước công nhân đi làm hàng ngày. Đa số người Việt sang Nhật lao động là làm công nhân ở các nhà máy hiện đại, hầu hết đều sử dụng máy móc như hàn tiện, may mặc, lắp ráp điện tử, sản xuất đồ gia dụng…Theo thông tin từ Trung tâm GTVL Bến Tre, Nhật đang có nhu cầu tuyển công nhân xây dựng khá nhiều. Nhưng lao động Bến Tre hầu hết không đáp ứng được yêu cầu. Vì người có tay nghề thì không đủ chuẩn sức khỏe, tuổi tác, khả năng học ngôn ngữ và nhất là tiền bạc. Muốn xuất khẩu lao động sang Nhật, trung bình người lao động phải thế chấp và ký quỹ khoảng 7.500 USD (tương đương 163 triệu đồng). Đó là một rào cản lớn đối với người lao động hiện nay.
Bạn Trần Anh Tuấn (quê Thạnh Phú) đã sang Nhật lao động 3 năm với công việc dập linh kiện điện tử và các phụ tùng xe hơi. Sau khi về nước Tuấn tích lũy được gần 800 triệu đồng. Phân nửa số tiền anh xây nhà cho cha mẹ, phần còn lại anh mở một cửa hàng điện gia dụng để buôn bán. Thêm vào đó, bài học mà anh tâm đắc ở đất nước Nhật Bản đã thêm cho anh hành trang vào đời là: ý thức giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là biết tiết kiệm điện, nước, giữ nghiêm nội quy công ty, giờ giấc và tác phong, đồng phục luôn đúng. Anh đã thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều sau chuyến lao động ở Nhật.
Nhờ khả năng hòa đồng cao, chị Lê Thị Cẩm Hà (Châu Thành) sau 3 năm ở Nhật, không chỉ để dành được một số tiền mà còn có vốn ngôn ngữ tiếng Nhật phong phú. Trở về nước, chị Hà đã làm việc cho một công ty du lịch chuyên nhận khách Nhật. Từ một người lao động bình thường, bây giờ chị đã có công việc ổn định: hướng dẫn viên du lịch, với thu nhập khá cao.
Dù biết muốn lao động ở Nhật phải đi qua một “cánh cửa hẹp”, nhiều lao động Bến Tre vẫn chọn thị trường Nhật để đi xuất khẩu lao động. Và lời khuyên của anh Mai Hoàng Nhân dành cho người lao động là: bạn hãy kiên trì và có ý chí vượt qua khó khăn. Cánh cửa tương lai ở Nhật sẽ rộng mở và hứa hẹn nhiều lợi ích về vật chất cũng như hành trang sống cho bạn.
theo báo Đồng Khởi