Theo dòng thời sự: Đối thoại giải quyết các bất cập, rườm rà trong hoạt động XKLĐ
>> Mạnh tay xử lý tiêu cực, mở rộng thị trường xuất khẩu lao độngSáng 8/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại hội nghị, các doanh nghiệp thẳng thắn đối thoại về những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cam kết sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà, và những bất cập trong hoạt động xuất khẩu lao động
Trong thời gian qua, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng lao động đi tăng dần theo từng năm, chất lượng lao động đang không ngừng được nâng cao và hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp.
Theo báo cáo của Bộ LĐ TB & XH, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có 15 doanh nghiệp Nhà nước, 207 công ty cổ phần, 55 công ty TNHH.
Từ năm 2010 đến nay, trung bình có khoảng 20 doanh nghiệp đưa được trên 1000 lao động ra nước ngoài làm việc, thế nhưng cũng có những doanh nghiệp không đưa được lao động đi nước ngoài. Trong 3 năm từ 2014 đến 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn có những khó khăn. Cụ thể: người lao động còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp….
Tại hội nghị, các doanh nghiệp thẳng thắn đối thoại về những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động xuất khẩu lao động, đặc biệt là trong việc tuyển nguồn lao động.
Ông Nguyễn Văn Minh (Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa) cho biết: “Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mặc dù đã có nhiều đơn hàng được Bộ LĐ TB & XH cho phép triển khai thực hiện nhưng cái rào cản lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là khi triển khai về các địa phương lại không nhận được sự ủng hộ của các địa phương”.
Ông Bùi Kim Sơn (Công ty Letco – Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có thời hạn 10 năm rồi và đến bây giờ chúng tôi vận hành thực tế thì cũng thấy có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đã là cung ứng lao động thì sẽ tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường đó là cung và cầu. Nhưng bên phía Việt Nam lại quy định rằng có đơn hàng mới được thi tuyển rồi mới được đào tạo. Nhưng bên chủ sử dụng lao động lại muốn chỉ cần có lao động sẽ ký hợp đồng rồi tiến hành thi tuyển ngay.
Vậy rõ ràng là có sự trái ngược ở đây. Và nếu như doanh nghiệp Việt Nam không làm đúng với quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp Việt Nam sai. Tức là chưa đăng ký Cục thì chưa được tuyển mà đã tuyển khi chưa đăng ký tức là sai luật. Tôi nghĩ đó đang là tồn tại nhiều vướng mắc. Và tại Hội nghị cũng đang thảo luận vấn đề đào tạo lao động. Nhưng đào tạo thì cần nhiều thời gian mà thời gian tuyển dụng lại rất ngắn, nhiều đơn hàng cần bay gấp thì đào tạo thế nào được? Ví dụ nếu như có Cota của thị trường Đài Loan về thì chỉ có 10 ngày để yêu cầu lao động bay. Vậy thì đào tạo ở đâu khi không có thời gian?”
Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ TB &XH cho biết: “Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp thì đông nhưng mà không mạnh cả về năng lực đào tạo, cả về bên tuyển chọn, cả về vấn đề am hiểu luật pháp ở trong nước cũng như ở nước ngoài lẫn việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để hỗ trợ người lao động trong những trường hợp cần thiết. Tại Hội nghị đã có rất nhiều doanh nghiệp phát biểu ý kiến, trong đó có nhiều doanh nghiệp mạnh đề xuất các ý kiến hỗ trợ người lao động rất chu đáo, tiêu biểu như việc cấp học bổng đào tạo trong vòng 1 năm sang nước ngoài làm việc và lao động đó sau khi trở lại thì rất thành đạt. Nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng nhiều khi giấy phép con đi đến các địa phương nhưng rất khó tuyển được nguồn thậm chí bị gây khó dễ. Điều này cần nhìn nhận lại từ cả 2 phía”.
Theo thống kê của Bộ LĐ TB & XH, có những doanh nghiệp đã được Bộ cấp phép nhưng trong 3 năm không đưa được lao động nào đi làm việc ở nước ngoài. Trong những doanh nghiệp được Bộ LĐ cấp phép từ 1 đến 3 năm cũng có 5 doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Và có đến 31 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dưới 1 năm chưa đưa được lao động đi làm việc tại nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép cho đến nay.
Ông Lê Long Sơn (TGĐ công ty Esuhai) chia sẻ: “Ngay từ doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải định hướng lại cái chương trình đưa đi không phải là xuất khẩu lao động mà là đào tạo nguồn nhân lực. Phải chuyển thành tư duy là đào tạo nguồn nhân lực, phải tiếp cận với người lao động từ tư duy phải học, phải học, phải học. Chứ ở độ tuổi từ 20 đến 25 chưa cần phải đi làm kiếm nhiều tiền mà cần học để nâng cao tay nghề trước đã. Đến khi 30 hay 35 tuổi về nước, khi đấy đã có trình độ, có kỹ năng rồi thì lúc đó không cần đi nước nào hết, ở Việt Nam cũng có tiền”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định: “Hội nghị hôm nay đã bàn về câu chuyện nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động. Chúng ta nhìn ra các nước xung quanh như Philippin, Thái Lan,… họ thường được nhận vào làm ở những công việc mà có phân khúc chất lượng việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn và điều đó thì cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng dự báo các thị trường , các ban quản lý lao động, … cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin về thị trường cung cấp cho doanh nghiệp trong nước để có những định hướng tốt hơn trong chuẩn bị nguồn lực và có thể chiếm lĩnh được những phân khúc tốt hơn trong thị trường xuất khẩu lao động ở nước ngoài”.
Ông Nguyễn Văn Minh (CTY CP dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa) chia sẻ thêm: “Trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp rất nhiều, tuy nhiên những đối tượng đấy, mong muốn của họ đi làm việc ở nước ngoài là tìm được những công việc phù hợp với trình độ, phù hợp với chuyên ngành mà họ đã được đào tạo tại Việt Nam. Vấn đề này còn rất nhiều bất cập. Thứ 2 là những vướng mắc về chuyên môn đào tạo và vấn đề chi phí, về khả năng đáp ứng việc vay vốn ngân hàng để đi được nước ngoài,… đó là những rào cản không hề nhỏ”.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: XKLĐ không chỉ tạo việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo mà còn chuẩn bị lực lượng trong thời gian tới. Theo Phó Thủ Tướng Võ Đức Đam, nếu chúng ta chuẩn bị tốt nhân lực và tập trung lại thì những người đi XKLĐ trở về sẽ phục vụ cho doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút đầu tư.
Cũng trong Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cần phải chấn chỉnh ngay những bất cập còn tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Song song với đó là mở dần những thị trường mới, bớt dần đưa lao động phổ thông đi.
Thông qua Hội nghị lần này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: trong năm 2017 Bộ LĐ TB & XH quyết định thanh tra thường xuyên, kiên quyết xử lý những vấn đề còn tồn tại như thu phí cao quá quy định, tuyển dụng qua môi giới, cò mồi, bán giấy phép… để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
(Theo Laodong.com.vn)
Thang Long OSC là đơn vị đã được Bộ LĐ TB & XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Với nhiều năm kinh nghiệm cung ứng nhân lực cho thị trường quốc tế và tư vấn du học tự túc, tính tới thời điểm hiện tại Thang Long OSC đã có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ tìm việc làm cho lao động Việt Nam.
Để tìm hiểu các đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản, Đài Loan, Macao,.. có mức thu nhập hấp dẫn và chi phí đi rẻ, vui lòng truy cập website của Thang Long OSC hoặc gọi đến đội ngũ tư vấn viên của công ty để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long
Địa chỉ: số 7, tầng 8 tòa nhà Hội LHPN, đường Tôn Thất Thuyết , Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: 0868.986.528 - 0981057683 - 0981 079 362 – 0981052583