Người Nhật đón Tết bắt đầu từ ngày 01/01 kéo dài đến ngày 03/01. Đón năm mới ở Nhật Bản khá yên tĩnh, trang trọng, dành thời gian cho gia đình, và nó không được đánh dấu bởi những cuộc liên hoan ồn ào, pháo hoa, hay sự kiện đếm ngược. Trong thực tế, hầu hết người Nhật sẽ ở nhà với gia đình (nếu họ không ở Tokyo thì sẽ về quê). Sau những ngày dài bận rộn với công việc, người dân sẽ được nghỉ vài ngày cho nenmatsu nenshi (cuối năm cũ, đầu năm mới).
1. Trang trí nhà bằng các vật mang lại điềm lành để đón vị thần tài lộc, may mắn và trường thọ.
Dạo quanh Tokyo, bạn sẽ thấy người Nhật trang trí Kadomatsu và treo shimekazari ở cửa hàng, khách sạn,… và không chỉ ở các doanh nghiệp mà họ còn trang trí trước cửa nhà. Kadomatsu được đặt ở lối ra vào, gồm 3 ống tre tươi vát chéo với độ dài khác nhau (tượng trưng cho sự thịnh vượng), cùng một vài cành thông (tượng trưng cho tuổi thọ) và được quấn lại bằng rơm (tượng trưng cho sự kiên định). Họ quan niệm đây là nơi đón vị thần Toshigamisama để chúc phúc cho con người, Kadomatsu thường được đốt sau ngày 15/01. Shimekazari được treo trên cửa ra vào, có ý nghĩa đón tiếp vị thần năm mới và diệt trừ ma quỷ. Shimekazari được làm từ shimenawa (sợi dây thừng xoắn thiêng liêng làm từ rơm), cành thông, cam đắng (tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ giữa thế hệ này tới thế hệ khác), và một số thứ khác.
Ngoài ra còn có phong tục dâng bánh lên các đấng thần linh gọi là kagami mochi, hai chiếc bánh dày tròn xếp chồng lên nhau giống như cái hồ lô và phía trên là 1 quả cam, được đặt ở bàn thờ gia tiên của các gia đình. Vật may mắn khác trong năm mới là hagoita (chiếc vợt gỗ có hình mái chèo được dùng trong một trò chơi vào đầu năm mới của các bé gái có tên Hanetsuki – cầu lông của Nhật Bản, được thiết kế vô cùng công phu) dùng để xua đuổi xui xẻo, đem lại thật nhiều may mắn, và hamaya (mũi tên giúp tránh khỏi mọi cám dỗ và những ý nghĩ xấu xa do ma quỷ xúi giục), hamaya thường chỉ được bán trong đền thờ vào ba ngày đầu tiên của năm mới. Nếu bạn muốn có một chiếc hagoita cho năm mới thì có thể đến chùa Senso-ji ở Asakusa tham dự Lễ hội Hagoita-ichi được tổ chức hàng năm, năm nay diễn ra từ ngày 17-19 tháng 12 (thứ năm đến thứ bảy).
Một số công viên đôi khi sẽ tổ chức xưởng thủ công, ở đó bạn có thể học cách làm Kadomatsu của riêng mình với cách trang trí khác. Một số chi nhánh của Tokyu Hands cũng có thể có các xưởng thủ công như vậy. Hiện không có trang web về các công viên này để thông báo lịch trình về các xưởng thủ công, vì vậy nếu may mắn bạn sẽ có cơ hội tham gia, và với Tokyu Hands thì bạn có thể kiểm tra các thông báo trên trang web của họ (http://happy-event.tokyu-hands.co.jp/index.php).
2. Xem Kouhaku Uta Gassen vào ngày 31.
Một chương trình “truyền thống”, bắt đầu từ năm 1959, đã trở thành truyền thống của các gia đình Nhật Bản vào đêm giao thừa. Phát sóng trên đài NHK từ 19h15 đến 11h45, đúng như tên gọi, đây là cuộc chiến âm nhạc đỏ -trắng giữa 2 đội gồm các nghệ sĩ nổi tiếng và thành công nhất trong năm. Những nghệ sĩ này đều được đài NHK mời, vì vậy được tham gia chương trình được coi là một vinh dự vì nó có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với sự nghiệp của họ. Người quyết định thắng – bại trong cuộc tranh đấu này chính là Ban giám khảo cùng tất cả khán giả của chương trình.
Tỷ suất xem đài của Kouhaku không còn cao như trước đây (những năm 60 và 70) vì nhiều nguyên nhân như sự ra đời của Internet (và có lẽ mọi người quá bận rộn với chiếc điện thoại thông minh!), nhưng chương trình vẫn được đông đảo công chúng ngóng đợi
3. Ăn toshikoshi soba, ozoni và osechi ryori.
Mang lại may mắn là lý do đằng sau nhiều truyền thống năm mới ở Nhật Bản, vì vậy không ngạc nhiên khi có một số món ăn được cho là mang lại may mắn. Ăn mì trường thọ Toshikoshi soba (nghĩa là “năm đã qua”) vào đêm giao thừa với ý nghĩa cắt đứt sự bất hạnh của năm cũ, sợi mì dài tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới. Trong khi đó, ozoni (súp với bánh mochi) và osechi ryori (gồm vài chục món ăn làm theo thực đơn ngày Tết rất cầu kỳ bày trong một cái hộp nhiều tầng) được ăn trong dịp năm mới. Trừ thành phần cơ bản (mì, dashi và nước tương cho soba toshikoshi và mochi và dashi cho ozoni), thì nguyên liệu của các món ăn này khác nhau giữa các hộ gia đình và khu vực. Osechi ryori thường khá đắt đỏ, nhưng chúng tôi đã có viết về cách mua bộ osechi rẻ hơn ở đây (https://tokyocheapo.com/travel/holidays/osechi-ryori-stingy/) .
4. Joya no kane: Khai chuông giao thừa
Vài phút trước khi sang năm mới, các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 hồi chuông là một phần của một nghi lễ Joya no kane. Tại sao lại là 108 hồi chuông? Theo Phật giáo, con số này tượng trưng cho những ham muốn trần tục gây ra nhiều đau khổ cho con người, gióng lên 108 hồi chuồng để bỏ đi phiền não trong nội tâm, thanh lọc tâm trí và linh hồn mỗi con người. Tại Tokyo, ngôi chùa nổi tiếng với nghi lễ này là chùa Zojo-ji gần Tokyo Tower (cách đi: Ga Onarimon, Ga Daimon, hoặc ga Hamamatsucho) và Chùa Sensoji nằm ở Asakusa. Cả hai thường rất đông đúc, vì thế hãy đến sớm! Bạn cũng không cần lo lắng sẽ lỡ chuyến tàu cuối cùng, bởi tàu điện sẽ chạy suốt đêm vào đêm giao thừa năm mới.
5. Gửi nengajou: Thiệp chúc tết.
Mặc dù nhiều người trẻ không còn gửi thiệp năm mới nữa (thư viết tay nói chung không còn phổ biến nữa), nhưng thực tế là các bưu điện, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng văn phòng phẩm vẫn bán rất nhiều tấm thiệp, cho thấy người dân vẫn gửi thiệp nengajou. Một số gia đình và các doanh nghiệp vẫn gửi nengajou giống như thiệp chúc mừng ngày lễ đặc biệt. Chúng được thiết kế rất đẹp và đáng yêu, và một trong số đó còn kết hợp với sổ xố được bán bởi Japan Post. Người chiến thắng sẽ nhận được một số giải thưởng như tiền mặt (dù thế không kỳ vọng sẽ được nhiều tiền) hoặc đặc sản địa phương. Nếu bạn hay bạn bè của bạn sưu tầm những tấm bưu thiếp, thì nengajou là một tấm thiệp đặc biệt trong dịp năm mới!
6. hatsuhinode: ngắm mặt trời mọc lần đầu tiên của năm.
Bắt đầu năm mới bằng việc dậy sớm và ngắm mặt trời mọc lần đầu tiên của năm! Năm nay, các đài quan sát ở Tokyo Sky Tree và Tòa thị Chính Tokyo đang tổ chức sự kiện hatsuhinode– ngắm mặt trời mọc từ 05h sáng ngày 1 tháng 1. Thật không may, những sự kiện này đều hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là 800 người và hiện nay là 600 người), và sẽ được lựa chọn bằng xổ số bắt đầu từ vài tháng trước. Vậy sao lại không đi bộ đường dài leo núi Takao hoặc núi Mitsutoge vào buổi sáng đầu tiên của năm mới nhỉ? Hoặc bạn có thể đi đến Hakone hoặc Izu để ngắm bình minh đầu tiên của năm mới?
7. Hatsumode: Đi lễ đầu năm.
Khởi động năm mới bằng cách cầu mong sự thịnh vượng, bình an và sức khỏe tốt (và bất cứ điều gì khác mà bạn muốn). Hatsumode truyền thống là việc đi thăm các ngôi đền chùa đầu năm từ ngày 1-3 tháng 1. Bất kỳ thời điểm nào sau tuần đầu tiên của tháng 1 sẽ không được coi là hatsumode nữa, dù đó là lần đầu tiên bạn đến viếng chùa trong năm. Đến bất kỳ ngôi chùa hay đền thờ nào cũng được, nhưng những ngôi chùa nổi tiếng ở Tokyo như chùa Senso – ji, chùa Zojo-ji, thần cung Meiji và Đền Kanda Myojin, đặc biệt đông vào những ngày này. Gợi ý của chúng tôi: bỏ qua hàng giờ xếp hàng chờ đợi ở những nơi đó, hãy đến thăm một nơi nhỏ hơn, ở địa phương để bắt đầu năm mới của bạn.
8. Fukubukuro và săn hàng giảm giá năm mới: Mau sắm thả ga!
Fukubukuro có nghĩa là “túi may mắn”, là một túi chứa đầy vật phẩm được chọn ngẫu nhiên mà bạn sẽ không được biết trước trong túi có những gì, giá bán thường sẽ thấp hơn tổng giá thành của từng sản phẩm riêng lẻ trong đó. Đó là một cách thông minh dọn sạch số hàng tồn kho của năm trước và tạo sự bí ẩn, phấn khích với người mua sắm. Đôi khi bạn sẽ không ngờ rằng có thể mua được nhiều sản phẩm với giá hời. Đáng ngạc nhiên là truyền thống lâu đời hơn bạn nghĩ, được bắt đầu bởi các cửa hàng bách hóa Ginza Matsuya từ những năm 1900.
Nhưng nếu bạn muốn đón tết theo kiểu Tây …
Có vài nơi ở Tokyo sẽ diễn ra sự kiện đếm ngược, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi phần lớn trầm hơn so với sự kiện đếm ngược ở những nơi khác thường có tiệc tùng và biểu diễn kèm theo. Khi hàng chữ số chỉ năm mới bừng sáng trên đỉnh ngọn tháp Tokyo Tower cũng là lúc cả ngàn vạn quả bóng được thả bay lên trời cao. Một số điểm đến khác là đài quan sát ở tòa nhà Sunshine 60 và Namjatown (công viên giải trí trong nhà bên trong Sunshine City) ở khu Ikebukuro, Hanayashiki ở Asakusa, Công viên giải trí Joypolis ở Odaiba (gần trạm Tokyo Teleport ) và Suối nước nóng Oedo Onsen Monogatari (có xe buýt đưa đón miễn phí từ một số trạm như Shinagawa, Tokyo Teleport). Thông thường, bạn chỉ phải trả tiền mua vé vào; không phải thêm phí để tham gia sự kiện đếm ngược. Ngoài ra, trong những năm gần đây, đám đông đã tụ tập tại Giao lộ Shibuya vào đêm giao thừa, vì vậy nếu bạn muốn có một không khí náo nhiệt hơn, hãy đến đây.
Và tất nhiên, các quán bar, hộp đêm và lounges khắp Tokyo sẽ có những bữa tiệc đếm ngược. Nếu bạn đã tiết kiệm tốt trong cả năm và muốn đi chơi tẹt ga, thì có một vài lựa chọn sau:
AgeHa (hộp đêm lớn nhất ở Tokyo) : vé vào cửa thông thường là 4.980 yên.
New York Lounge ở Intercontinental Tokyo Bay cũng tổ chức sự kiện đếm ngược và DJ, giá từ 6.500 yên.
Whistlebump Countdown tại XEX Nihonbashi có giá từ 3000 yên.
Khu vực Shibuya và Roppongi cũng có rất nhiều địa điểm mà bạn có thể thưởng thức một bữa tiệc đếm ngược sống động. Nếu bạn muốn ngắm pháo hoa sau đó thì hãy đến Tokyo Tower. Bên cạnh đó, có vài lựa chọn khác, như sự kiện đếm ngược ở đài quan sát tòa nhà Sunshine 60 ở Ikebukuro. Tại khu vực lân cận Yokohama, bạn có thể ngắm pháo hoa tại Nhà kho gạch đỏ Yokohama hay công viên đại dương Hakkeijima (gần ga Hakkeijima).
(Nguồn: Tổng hợp)