Được coi là một lĩnh vực kinh tế cần được quan tâm chú trọng, xuất khẩu lao động nước ngoài qua nhiều năm ngày càng khẳng định được ưu thế và vai trò của mình như một phương thức “đổi đời” giúp người dân Việt Nam xóa đói giảm nghèo bền vững đồng thời mang về nguồn ngoại tệ lớn giúp phát triển kinh tế đất nước.
Với hơn 500.000 lao động và chuyên gia đang làm việc ở gần 50 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ở 30 nhóm ngành nghề khác nhau, Việt Nam góp tên mình vào danh sách những quốc gia có tỉ lệ người xuất khẩu cao nhất thế giới. Tính đến hiện tại, lao động Việt ở các thị trường quen thuộc là Nhật Bản, Đài Loan, Algieria và nhiều quốc gia khác trong hai tháng đầu năm 2016 đã là hơn 15.000 người. Con số này dự báo sẽ không ngừng gia tăng bởi nhu cầu của các thị trường và khả năng đáp ứng cũng như mong muốn của người lao động Việt Nam đối với cơ hội xuất khẩu lao động (XKLĐ) chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Tại sao xuất khẩu lao động nước ngoài lại phát triển đến thế? Lợi ích kép mà nó mang lại cho kinh tế, xã hội và các các nhân lao động tham gia là gì? ThangLong OSC sẽ biện giải trong bài viết dưới đây.
Việt Nam có hơn 84 triệu dân và có khoảng 40 triệu người đang ở độ tuổi lao động. Hàng năm lực lượng này được bổ sung thêm 1,1 triệu người và hiện nay là 1,2 triệu lao động/năm. Nguồn nhân lực dồi dào và trẻ, khỏe là vậy nhưng thực chất vừa thừa vừa thiếu. Thừa về số lượng và vô cùng thiếu về chất lượng.
Với tốc độ phát triển nguồn lao động nêu trên, mâu thuẫn giữa lao động và việc làm ngày càng trở nên gay gắt đối với nền kinh tế. Năm 2016 ghi nhận có đến hơn 1, 08 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (số liệu được Bộ LĐ TB & XH cung cấp). Tuy nhiên để tìm được một công việc ở quê nhà vừa ổn định lại vừa có thu nhập tương xứng với công sức lao động mình bỏ ra không phải dễ dàng gì nếu không muốn nói là rất khó. Cộng với đà mỗi năm qua đi có thêm 1,1 triệu người sẽ góp thêm tên mình vào danh sách này càng khiến cho “bài toán” nhân lực tại Việt Nam trở nên hóc búa. Thực tế chứng minh nếu không giải quyết một cách hài hoà và có những bước đi thích hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội tất yếu sẽ dẫn tới những mất ổn định nghiêm trọng về mặt xã hội.
Để giải quyết được vấn đề này, xuất khẩu lao động đã trở thành một lĩnh vực cứu cánh cho bài toán giải quyết việc làm không những của Việt Nam mà còn đối với cả hầu hết các nước xuất khẩu lao động trong khu vực và trên thế giới. Bởi đây là lĩnh vực đạt được liền lúc cả hai mục tiêu kinh tế – xã hội: vừa đảm bảo mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu ngoại tệ mạnh để phát triển kinh tế xã hội trong nước. Trong thực tại, xuất khẩu lao động là một định hướng chiến lược tích cực quan trọng, lâu dài cần phải được phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với vai trò to lớn của nó.
- Những “lợi ích kép” từ hoạt động xuất khẩu lao động nước ngoài
Xuất khẩu lao động hiện đang được coi là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta.
- Tăng thu nhập và thay đổi nhận thức, tư duy cho người lao động
Thu nhập là mục tiêu hàng đầu của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thông thường sau ba năm làm việc, nếu người lao động hoàn thành các cam kết theo hợp đồng đã ký giữa người sử dụng lao động với công ty xuất khẩu lao động thì người lao động có thể tích lũy được một khoản tiền tương đối lớn.Tính chung người lao động đi làm ở nước ngoài bình quân thu nhập gấp 5 đến 10 lần so với thu nhập trong nước. Bình quân sau mỗi hợp đồng 3 năm làm việc tại nước ngoài, một người lao động sẽ tiết kiệm được số ngoại tệ tương đương khoảng 200- 500 triệu đồng mang về nước. Với số tiền tích luỹ được, nhiều người lao động không chỉ xóa được nghèo mà còn có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác khi tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng giúp thay đổi tư duy, nhận thức và nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động. Xuất khẩu lao động đã giúp một bộ phận người Việt tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ và tay nghề. Đồng thời nâng cao vốn ngoại ngữ, trau dồi hiểu biết về văn hóa, kiến thức và thay đổi thái độ, thói quen, hành vi theo hướng tích cực hơn nhờ quá trình làm việc được rèn giũa theo khuôn phép, nguyên tắc tại nước ngoài. Với những kinh nghiệm học hỏi được ở nhiều nơi trên thế giới (từ nghề nghiệp cụ thể đến tác phong công nghiệp, trình độ quản lý,..) cùng với số vốn tích lũy được sau những năm làm việc tại nước ngoài, nhiều lao động đã và đang trở về quê hương đầu tư xây dựng nhà cửa, lập ra những doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
· Góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt xã hội nhờ công cuộc “đổi đời” của người lao động
Đối với một nước gần 100 triệu dân, với trên một nửa là số người trong độ tuổi lao động, nhưng số người thất nghiệp ở thành thị lên đến 5,6% và số thời gian chưa được sử dụng ở nông thôn lên đến trên gần 20%, thì xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm cho người lao động rất có ý nghĩa. Trong mấy năm gần đây, số lao động đi xuất khẩu của nước ta mỗi năm đã lên đến trên dưới 70 nghìn người và đến nay đã có khoảng 800 nghìn người Việt Nam đang làm việc ở khoảng trên 40 nước và vùng lãnh thổ.
Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội.
Thực tế, xuất khẩu lao động đã tạo điều kiện thay đổi đời sống của người dân. Tại một số làng xã tỉ lệ xuất khẩu lao động cao, nhiều người từ nghèo trở nên giàu có, ước tính trung bình số tiền gửi về hằng năm có thể đạt từ 40 đến 100 tỷ đồng.Thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động đồng thời sẽ giúp giảm được tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra, tạo một hướng lao động tích cực cho người lao động, học tập được phong cách lao động mới do tổ chức lao động ở nước ngoài trang bị…
· Đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn và tiết kiệm chi phí đầu tư giải quyết việc làm trong nước
Lao động xuất khẩu qua đào tạo ngày càng tăng. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài đã gửi về nước một lượng ngoại tệ đáng kể, đưa xuất khẩu lao động ở Việt Nam trở thành một trong các ngành gia nhập “câu lạc bộ” 1 tỷ USD. Năm 2007, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối từ 1,6 tỷ USD. Trung bình mỗi năm gửi về từ 1,6 tỷ đến 2 tỷ USD. Trong đó từ Hàn Quốc trên 700 triệu USD, Nhật Bản hơn 300 triệu USD. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất, là một trong 10 quốc gia có thu nhập lớn từ xuất khẩu lao động.
Theo kết quả điều tra nếu không tính đến giá trị quyền sử dụng đất để xây dựng địa điểm làm việc thì muốn tạo ra một việc làm trong nước phải đầu tư tối thiểu từ 45 đến 50 triệu đồng, như vậy thông qua xuất khẩu lao động hàng năm Nhà nước đã tiết kiệm được một lượng vốn đầu tư tạo chỗ làm mới cho người lao động, một con số đáng phải suy nghĩ trong hoàn cảnh ngân sách của các quốc gia luôn trong tình trạng bội chi. Mức đầu tư chi phí quản lý Nhà nước, mức bình quân cho một lao động mỗi năm khoảng 30 USD và thu về cho ngân sách khoảng 37,6 USD, quả là chưa có suất đầu tư nào có lợi như vậy
- Tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp
Theo sự phân công lao động xã hội, các tổ chức hoạt động xuất khẩu lao động là chủ thể quan trọng nhất quyết định sự thực hiện thành công hay thất bại chiến lược xuất khẩu lao động trong giai đoạn hiện nay. Nói cách khác, doanh nghiệp xuất khẩu lao động là nơi tạo ra lợi ích cho người lao động và hiệu quả kinh tế quốc dân cho Nhà nước. Thông thường, khi hoàn thành dịch vụ của mình tổ chức xuất khẩu lao động nhận được một khoản chi phí dịch vụ từ tiền lương cơ bản của người lao động khoản từ 10 – 18% tuỳ theo ngành nghề. Khoản thu này đủ để các tổ chức xuất khẩu lao động trang trải các khoản chi phí khai thác và tìm kiếm thị trường, tuyển chọn lao động, duy trì bộ máy hoạt động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách theo luật định.
· Thúc đẩy các quan hệ đối ngoại:
Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là vô cùng quan trọng, từ đó quan hệ giữa nước cung ứng lao động và nước tiếp nhận lao động trở nên gắn bó hơn, hiểu nhau hơn, tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Xuất khẩu lao động còn là công cụ để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Hiệu quả to lớn mà xuất khẩu lao động nước ngoài mang lại cho kinh tế, xã hội của đất nước và thay đổi cuộc sống của từng người lao động là không thể phủ nhận. Với ngành kinh tế quan trọng mang lại nhiều lợi ích này, cần có một sự đầu tư và chú trọng hơn nữa để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.