Món ăn cực độc mà chỉ 12 đầu bếp trên khắp nước Nhật được phép nấu

Các đầu bếp Nhật phải mất từ 2-3 năm đào tạo nghiêm ngặt mới được cấp phép chế biến món cá nóc có độc tố gấp 1.200 lần chất độc cyanua.

Những ai đã từng đọc tác phẩm văn học kinh điển "Ông già và biển cả" của đại văn hào Ernest Hemingway, hẳn cũng mường tượng ra được sự nguy hiểm của con cá kiếm khổng lồ trên vùng biển Giếng Lớn, và đàn cá mập hung dữ. Thế nhưng ngoài đời thực, nơi đại dương mênh mông khốc liệt kia, còn có một loại cá kích thước chỉ bằng bắp tay người lớn, mà nguy hiểm gấp trăm lần con cá kiếm của ông lão Santiago.

Loại cá được mệnh danh độc nhất hành tinh này chính là cá nóc. Không ngoa chút nào khi nói những người dám liều mạng thưởng thức cá nóc, là những người dám đặt cược mạng sống của mình với tử thần. 


Cá nóc - kẻ được mệnh danh độc nhất hành tinh.

Tất cả các cơ quan nội tạng của cá nóc như ruột, buồng trứng, gan, ..vv.. đều chứa loại chất độc có tên là tetrodotoxin (TTX), một chất độc độc gấp 1.200 lần cyanua. Nếu ai là fan hâm mộ của bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan chắc sẽ nắm rõ, cyanua là chất hoá học được liệt vào hàng kịch độc, gây chết người.

Chất độc trong cá nóc mạnh đến nỗi, chỉ cần 1 liều nhỏ hơn đầu cây kim cũng đủ gây chết người. Một con cá nóc dư sức hạ đo ván 30 người đàn ông trưởng thành khoẻ mạnh trong đau đớn tột cùng, mà chẳng cần đến phòng tập gym ngày nào. 

Độc tố TTX có trong cá nóc không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Và đặc biệt là hoàn toàn chưa có thuốc giải cho loại độc khủng khiếp này khi đã ngấm vào máu.


Cận cảnh con cá nóc độc gấp 1.200 lần cyanua.

Nhưng ngặt một nỗi, thịt cá nóc lại không độc và ngon vô cùng. Ở đất nước mặt trời mọc, sushi hay sashimi cá nóc là một trong những món ăn đắt đỏ nhất trên mỗi bàn tiệc. Không những phải đánh cược tính mạng của bản thân mỗi khi thưởng thức món ăn xa xỉ này, người dân Nhật Bản còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền khá lớn để ăn chúng. 

Các đại gia xứ hoa anh đào không tiếc tay chi 200 USD (gần 4,5 triệu đồng) cho 8 miếng sashimi cá nóc cắt lát mỏng tang (mà vị chẳng khác gì thịt gà), tại nhà hàng 3 sao vàng Michelin. 


Phải trải qua 2-3 năm đào tạo nghiêm ngặt, các đầu bếp mới được cấp giấy phép chế biến cá nóc.

Do nhu cầu thưởng thức thịt cá nóc rất lớn nên nhiều đầu bếp ở xứ sở hoa anh đào vẫn luôn đam mê chinh phục được kỹ năng chế biến cá nóc. Tuy nhiên, vì quá trình đào tạo cũng như học tập đều rất khó khăn, nghiêm ngặt nên hiện nay trên khắp nước Nhật chỉ có 12 đầu bếp được cấp phép chế biến loại cá này.

Và để trở thành một trong số ít các đầu bếp nổi tiếng với món cá nóc, các đầu bếp bắt buộc phải tham gia khoá đào tạo, rèn luyện kỹ năng mổ cá từ 2 đến 3 năm. Sau đó, những người chắc tay này phải thực hành trên hàng trăm con cá, chấp nhận bỏ ra chi phí hàng trăm nghìn yên, vượt qua kỳ thi khó khăn với chỉ 60% cơ hội thành công, để được cấp giấy phép chế biến cá nóc an toàn.



Điều đặc biệt trong quá trình chế biến cá nóc mà mỗi đầu bếp đều phải ghi nhớ là sau khi mổ và làm sạch cá nóc, toàn bộ những phần có độc của con cá sẽ phải cho vào khay kim loại có dán dòng chữ "Không ăn được" và khóa kín. Sau đó, người ta sẽ mang chiếc khay này đến chợ cá và tiêu hủy chúng trong lò bằng củi vụn. Trong quá trình mổ cá, tuy thịt cá không hề có độc nhưng chỉ cần chạm khẽ vào nội tạng của chúng thôi, là cả người lẫn cá dắt tay nhau đi gặp Diêm Vương luôn...


Sự hấp dẫn khó cưỡng của cá nóc cắt lát khiến nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm USD để thách thức tử thần!

Cá nóc nguy hiểm là thế và phải những người đã trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt mới được chế biến cá, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người coi thường sự nguy hiểm của loại cá này. Nhiều trường hợp bị ngộ độc cá nóc dẫn đến những cái kết đầy thương tâm, khiến chúng ta phải chú ý hơn đến sự an toàn của bản thân và xã hội.

Vào tháng 10 năm 2014, 11 người trong cùng một gia đình ở thành phố Rio de Janerio, Brazil đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Chỉ trong vài giây sau khi cắn miếng đầu tiên, các thành viên của gia đình trên bắt đầu nôn, sau đó mất cảm giác ở mặt, cánh tay và chân. Hầu hết các nạn nhân đều bị tê liệt.

Không chỉ ở nước ngoài, mà tại Việt Nam, ngộ độc cá nóc cũng khá phổ biến. Cụ thể, vào tháng 1 năm 2015, gia đình 3 mẹ con chị Um ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai đã bị ngộ độc cá nóc phơi khô. Ngày 20, tháng 7 năm 2015, một gia đình 4 người ở Hà Tĩnh cũng phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn vì đã ăn canh cá nóc nhưng may mắn được các y bác sĩ cứu sống nhờ rửa ruột kịp thời.

Phải có kỹ năng nhất định mới được chế biến cá nóc để tránh những trường hợp ngộ độc vì thiếu hiểu biết.

Hiện nay, ở Nhật Bản, nổi tiếng nhất là đầu bếp Kunio Miura - một bậc thầy về cá nóc. Ông đã học cách xẻ thịt loài cá này từ năm 15 tuổi. Trải qua khoá đào tạo nghiêm ngặt và những buổi thực hành trên hàng trăm con cá, Kunio Miura đã trở thành người phục vụ cá nóc được cấp phép khi ông vừa tròn 20 tuổi.

Đến nay, dù đã có 60 năm kinh nghiệm thử sức với cá nóc, người đầu bếp tâm huyết này vẫn cực kỳ thận trọng mỗi khi xử lý một con cá. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm về tính mạng cho khách hàng. 

Ông Toshiharu Hata hiện điều hành một trong những công ty bán sỉ cá nóc lớn nhất ở thành phố Shimonoseki - nơi được mệnh danh là "Kinh đô cá nóc của Nhật Bản". Công ty gia đình này được thành lập cách đây 40 năm và cho đến ngày nay vẫn vô cùng nổi danh bởi những con cá nóc tươi ngon cũng như quy trình vận chuyển, chế biến cá cẩn trọng, khắt khe và an toàn tuyệt đối. 

(Theo Ngọc Vũ / Trí Thức Trẻ)