Thất nghiệp nhưng vẫn “chảnh”

Nhiều ứng viên hỏi “công ty trả lương được bao nhiêu?”, sau đó thẳng thừng chê “lương công nhân gì mà còn thấp hơn bốc vác. Thôi, về chạy xe ôm cho khỏe, lại được tự do”. Nhiều người đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc sống

 

Gặp lại Lê Thị Thu Thảo tại ngày hội việc làm do Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP HCM tổ chức mới đây, cô công nhân thất nghiệp đã 6 tháng nay than thở: “Chỗ nào cũng trả lương thấp lè tè, chán quá”. Đây không phải lần đầu tiên Thu Thảo đến các ngày hội việc làm với mong muốn tìm được một công việc phù hợp, thế nhưng, lần nào cô cũng trở về tay không!

Cứ từ từ tính...
Cuối tháng 12-2013, đang làm việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM thì Thu Thảo và nhiều công nhân bị cho nghỉ việc vì hết đơn hàng. Sau khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, Thu Thảo về quê “nghỉ xả hơi”, ăn Tết xong mới trở lại TP HCM để tìm việc. Vốn là công nhân may lâu năm nên Thu Thảo tự tin đề xuất mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, sau khi đăng thông tin trên báo, trên mạng internet, vẫn không có nhà tuyển dụng nào để mắt tới hồ sơ của Thu Thảo. Tháng 3-2014, cô quyết định tìm đến các sàn giao dịch việc làm. “Tôi đã đi mấy nơi rồi nhưng chỗ nào cũng rao tuyển công nhân may với mức lương 3-4 triệu đồng. Lương bổng như vậy thà về quê mở quán cà phê còn khỏe hơn”. Tuy nói vậy nhưng Thu Thảo cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trụ lại TP HCM vì bạn trai của cô cũng đang làm việc tại đây.

Thất nghiệp nhưng vẫn “chảnh”
 Đông đảo người lao động tìm việc tại Phòng Dịch vụ Việc làm
Khảo sát nhanh của chúng tôi trên 87 người lao động đến tìm việc tại ngày hội việc làm ở quận 2, TP HCM, tổ chức cách nay chưa lâu cho thấy có đến 66/87 người (tỉ lệ 75,8%) không tìm được việc làm do không chấp nhận mức lương, điều kiện làm việc. Hầu hết đều cho rằng mức lương 3-5 triệu đồng mà doanh nghiệp rao tuyển thực tế không phải vậy. Muốn đạt được mức lương đó thường phải tăng ca; chưa kể trong quá trình làm việc, có thể bị trừ lương vô tội vạ với đủ lý do.

Đào Văn Hưng, quê ở Ninh Thuận, trước đây làm thủ kho tại Công ty Thành Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM), vì lý do sức khỏe, không thể làm việc ban đêm nên xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Hưng cho biết: “Có 2 nơi đã nhận tôi vào làm nhưng nơi nào tôi cũng chỉ làm được hơn chục ngày rồi xin nghỉ. Họ trả lương rẻ bèo nhưng lại muốn mình toàn tâm toàn ý cho công việc. Thôi, cứ từ từ, hết tiền, hết gạo thì điện thoại về quê cho ba mẹ gửi vô tiếp tế”.

Anh  Lê Văn Dũng, quê Bắc Ninh, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng sau 2 năm tốt nghiệp vẫn không xin được việc, anh có đăng báo tìm việc lao động chân tay nhưng lương thấp quá. Sau một thời gian tìm hiều thông tin các Công ty, anh quyết định đăng ký đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Hiện tại anh đang học tiếng Nhật tại Công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội, tháng 2 năm 2015 anh sẽ xuất cảnh

“Thôi, về chạy xe ôm cho khỏe...”
Treo bảng tuyển dụng 15 CN lắp ráp, bảo trì điện nhưng đã hơn 2 tháng trôi qua mà Công ty Quốc Thiên (quận Bình Tân, TP HCM) chỉ mới tuyển được 2 người! Bà Đoàn Thị Hồng Nhật, trưởng phòng nhân sự công ty, cho biết: “Đa phần đều không chấp nhận làm việc xa, làm ban đêm, làm thêm. Ngoài lương chính, công ty còn có chế độ phụ cấp độc hại, phụ cấp xa nhà, phụ cấp đắt đỏ, tiền cơm... tổng cộng thu nhập cũng khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng. Vậy nhưng có CN mới vào làm 2 hôm đã tự động bỏ việc, có người làm được 1 tuần đã xin hủy hợp đồng thử việc vì cực quá. Cũng có người làm được hơn 1 tháng thì bà mẹ từ quê lên khóc sướt mướt xin cho con nghỉ vì sợ con mình bị... điện giật”.

Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận, TP HCM cũng cho biết khi phỏng vấn tuyển dụng, câu đầu tiên ứng viên hỏi là “công ty trả lương được bao nhiêu?”; sau đó nhiều người thẳng thừng chê “lương công nhân gì mà còn thấp hơn bốc vác. Thôi, về chạy xe ôm cho khỏe, lại được tự do”. Vị trưởng phòng nhân sự này cho rằng nhiều doanh nghiệp không đưa ra mức lương cao để “nhử” người lao động mà đưa ra mức lương trung bình căn cứ vào mặt bằng tiền lương chung của các doanh nghiệp trong cùng khu vực, ngành nghề. Sau đó, khi đã được tuyển dụng chính thức, làm việc một thời gian, công ty mới căn cứ vào năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ làm việc của người lao động để trả mức lương tương xứng.

Làm việc hết mình sẽ được hậu đãi
Ông Trần Kiến Quốc, Phó Giám đốc Công ty Trí Tâm (quận 4, TP HCM), cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, có thể mặt bằng tiền lương còn thấp nhưng nếu người lao động cố gắng, làm việc hết mình, có nhiều đóng góp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không hẹp hòi gì mà không hậu đãi. Ông Quốc khuyên: “Người lao động nên lưu ý điều này khi tìm việc, đừng suy nghĩ theo kiểu “chạy xe ôm còn sướng hơn” thì sẽ rất khó để có một việc làm ổn định, lâu bền”.

theo báo Người Lao Động