Mức hỗ trợ lao động Lybia về nước thấp hơn năm 2011

Quyết định số 1012/QĐ-LĐTBXH hỗ trợ lao động làm việc tại Libya về nước trước thời hạn năm 2014 có mức cao nhất là 7,5 triệu đồng/người. Nhưng vẫn thấp hơn mức hỗ trợ tương tự năm 2011. Lý do tại sao? Bên cạnh đó, lao động có thêm hỗ trợ gì khác?


216 lao động từ Lybia đã về nước 

Hỗ trợ chứ không phải đền bù
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), căn cứ hỗ trợ lao động từ Lybia về nước năm 2011 và năm 2014 đều dựa theo quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Trả lời câu hỏi vì sao mức hỗ trợ năm 2014 lại thấp hơn năm 2011. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh giải thích: “Năm 2011, người lao động được hỗ trợ cao hơn năm 2014. Khi đó, ngoài hỗ trợ của Nhà nước theo luật định, người lao động còn nhận được hộ trợ, ủng hộ từ nhiều nguồn tài trợ như ngân hàng, doanh nghiệp, người hảo tâm.
Bởi vậy, ngoài mức 5.000.000 đồng/người hỗ trợ theo luật, người lao động còn nhận thêm của các nhà tài trợ 4000.000 - 5000.000 đồng/ người. Nhiều trường hợp có thể nhận tới mức 9 - 10.000.000 đồng/người tiền hỗ trợ”.
Thời điểm hiện nay, do suy thoái kinh tế và khó khăn chung nên ngoài tiền hỗ trợ của Chính phủ theo luật định, người lao động không có khoản tài trợ nào khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, tinh thần của Quyết định 1012/QĐ-LĐTBXH có tính chất là “hỗ trợ” người lao động chứ không phải “đền bù”.
Vì chiến sự tại Lybia là sự việc bất khả kháng chứ không phải là do lỗi của bên nào trong hợp đồng lao động.

Mức hỗ trợ lao động Lybia về nước thấp hơn năm 2011 
Lao động Việt Nam tai Lybia đang làm thủ tục về nước

Doanh nghiệp sẽ hoàn lại phí theo quy định
Với những lao động bỏ ra hàng chục triệu đồng cho chuyến đi xuất khẩu lao động, mức hỗ trợ tối đa 7,5 triệu đồng mới chỉ dừng ở sự động viên. Đặc biệt là những trường hợp lao động mới làm việc vài tháng tại Lybia, nhưng chưa đủ tiền chi phí.

Chính bởi vậy, việc đỡ đần chi phí cho lao động cần sự cộng tác của các doanh nghiệp phái cử lao động trong việc thực hiện đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh việc thực hiện QĐ 1012/QĐ-LĐTBXH về hỗ trợ lao động Việt nam từ Lybia về nước, đa số các doanh nghiệp phái cử lao động nhiều đều có sự hỗ trợ ban đầu.
Theo ông Nguyễn Việt Hải - GĐ Cty Vinamex, đơn vị có 682 lao động làm việc tại Lybia, đây là trường hợp bất khả kháng, các bên đều chịu thiệt thòi. “Chúng tôi đặt nhiệm vụ đưa lao động an toàn về nước. Sau đó Công ty sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Trước mắt, công ty Vinamex đã hỗ trợ đưa lao động ra bến xe và hỗ trợ 1.000.000 đồng/người để mua vé tàu xe về quê nhà.
Khi tình hình đưa lao động về Việt Nam ổn định, công ty sẽ có 2 hướng giải quyết.
Ông Hải cho biết thêm: “Với những lao động không có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nữa, chúng tôi sẽ sớm thanh lý hợp đồng. Theo đó, căn cứ vào thời gian thực tế lao động đã làm việc tại Lybia, công ty sẽ trả lại phí quản lý tương ứng”.
Những trường hợp lao động mới đi được 2-3 tháng, Công ty Vinamex dự kiến sẽ hoàn lại hết phí cho lao động.
“Còn với những lao động đã làm việc được 2-3 tháng tại Lybia và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tiếp. Chúng tôi sẽ giới thiệu đơn hàng tương đương và miễn các chi phí” - ông Hải cho biết.
Với công ty Simco Sông Đà, bên cạnh hỗ trợ ban đầu kinh phí tàu xe cho lao động về nhà, công ty dự kiến lên kế hoạch thanh lý hợp đồng với người lao động vào ngày 30.8.

nguồn: Dantri