Bộ LĐ-TB&XH đã cho phép Công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) được thí điểm đưa lao động sang Angola (châu Phi). Đây là tín hiệu tích cực vì Angola đang có nhu cầu lao động lớn từ 30.000 đến 40.000 người/năm, với mức lương 800 USD-1.500 USD/tháng. Cùng tìm hiểu nhé các bạn
Lao động Việt Nam làm việc tại một công trình xây dựng ở tỉnh Huambo, Angola.
Cửa xuất khẩu mới
Một lao động quê Hà Tĩnh vừa xuất cảnh sang Angola gọi điện về cho biết, năm đầu thử việc được chủ sử dụng trả lương 800 USD/tháng. “So với làm nghề xây dựng ở quê (chỉ được 120.000 đồng/ngày), mức lương hiện tại khá ổn, vì ăn ở đã được chủ lo hết”, lao động này hồ hởi. Theo lao động này, cùng đoàn đi có 19 lao động khác, chủ yếu quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Giám đốc một Công ty chuyên lo visa nhập cảnh vào Angola cho biết, vì tái thiết đất nước nên Angola đang cần hàng nghìn lao động có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. “Các công trình xây dựng ở Angola đòi hỏi trình độ kỹ thuật không cao nên cơ bản lao động Việt Nam đều đáp ứng. Việc Bộ LĐ-TB&XH cho phép doanh nghiệp xuat khau lao dong thí điểm đưa lao động sang Angola sẽ là cơ hội làm giàu cho nhiều thanh niên nghèo trong nước”, vị giám đốc nói.
Hiện, đã có doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cho phép thí điểm tuyển dụng lao động đưa sang Angola làm việc
Ông Dương Hồng Bắc, Phó tổng giám đốc doanh nghiệp XKLĐ cho biết, hợp đồng đầu tiên cung ứng cho Angola là 110 lao động làm trong ngành xây dựng (lái xe, sơn, cơ khí, mộc, cốt pha...). Theo hợp đồng, lao động làm việc ba năm, lương khởi điểm 800 USD/tháng (chưa kể tiền làm thêm giờ) và được chủ sử dụng lo ăn, ở. Hiện, Công ty đang tiếp tục tuyển lao động để cung ứng cho thị trường này.
Hơn 20 lao động đầu tiên cũng đã đặt chân đến Angola. Lao động sẽ phải thử việc hai tháng với mức lương 800 USD/tháng. Sau một năm có thể tăng lên 1.000 USD/tháng. Đã có hợp đồng cung ứng gần 100 lao động sang Angola. Hợp đồng cung ứng yêu cầu tuyển lao động phổ thông, kỹ sư xây dựng và kỹ sư thiết kế. Việc tuyển lao động phổ thông dễ nhưng tuyển kỹ sư đang gặp một số khó khăn do nguồn cung ít.
30.000-40.000 lao động/năm
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Bá Khoa, Đại sứ Việt Nam tại Angola cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã gửi nhiều chuyên gia giáo dục và y tế sang quốc gia châu Phi này. “Dần dần, ngoài chuyên gia, lao động phổ thông Việt Nam sang Angola làm việc càng ngày càng đông với thu nhập khá cao. Hiện, có khoảng hơn 4 vạn người Việt Nam tại Angola”, ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), qua khảo sát, Angola là thị trường có khả năng tiếp nhận lao động với số lượng lớn, có thể lên tới 30.000-40.000 người/năm. Tuy nhiên, để triển khai tốt, bắt buộc phải tiến hành thí điểm. Hết thời gian thí điểm, sẽ họp, rút kinh nghiệm để mở rộng việc đưa lao động sang thị trường này. Ngoài lương, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho người lao động, tránh những rủi ro không cần thiết.
“Các doanh nghiệp Angola rất hài lòng với lao động Việt Nam. Các công trình xây dựng do người Việt Nam đảm nhiệm chất lượng rất cao. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng, lao động Việt Nam có kỷ luật, tay nghề cao và không bao giờ gây rắc rối”.
Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian chưa ký Hiệp định Hợp tác Lao động giữa Việt Nam và Angola, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chỉ đạo các Công ty XKLĐ tìm hợp đồng bảo đảm các điều kiện đối với người lao động để đưa đi. Việc đưa lao động sang Angola phải bảo đảm chủ sử dụng lao động có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền Angola cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài và trực tiếp sử dụng lao động.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH, bà Phạm Thị Hải Chuyền khuyến cáo, người lao động không nên tự ý đi bằng con đường cá nhân hoặc bất hợp pháp. Nếu đi theo hợp đồng cá nhân, lao động phải tự thỏa thuận với chủ sử dụng hoặc sang Angola rồi mới đi kiếm việc làm, tự lo ăn ở và chi trả các chi phí khi bị ốm đau, bệnh tật. Trường hợp người lao động bị nợ lương, cũng khó được bảo vệ.
“Đi qua các công ty xuất khẩu lao động, mọi quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo. Nếu có tranh chấp, Công ty sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho lao động”, bà Chuyền nói.
Đại sứ Angola tại Việt Nam, ông João Mamel Bernardo khẳng định, sự có mặt của lao động Việt Nam tại Angola là cực kỳ quan trọng. Lao động Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước Angola. Hiện, tại 18 tỉnh của Angola, chỗ nào cũng có lao động Việt Nam.
Ông João Mamel Bernardo cho rằng, Angola là một thị trường việc làm hấp dẫn, cho thu nhập cao. “Đại sứ quán chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các bộ, ban ngành Việt Nam để đảm bảo tốt nhất an ninh cho lao động Việt Nam khi đến Angola làm việc”, ông João Mamel Bernardo nói.
theo tienphong