Hỗ trợ nữ đi làm việc ở nước ngoài ra sao?

Lao động nữ đi xuất khẩu lao động có nhiều chính sách hỗ trợ. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài như vay vốn để học nghề, chi phí xuất cảnh, hỗ trợ người lao động tìm việc, tái hòa nhập khi trở về; cung cấp thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài…

Đây là thông tin do Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải cung cấp tại hội nghị khu vực về thúc đẩy dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư diễn ra sáng ngày 21-4 tại Hà Nội. Ông Hải cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần ban hành thêm những chính sách hỗ trợ tích cực hơn với lao động nữ di cư.

Năm 2013, Việt Nam có hơn 88 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 36%, tương đương hơn 31.700 người.

Chính sách hỗ trợ nữ đi làm việc ở nước ngoài


Trong quy định hiện hành về bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài có nhiều nội dung liên quan tới pháp luật, kỷ luật, an toàn lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận… Chương trình thí điểm của dự án tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đưa vào các bài giảng tăng tính nhạy cảm giới cho lao động nữ, trong đó có các nội dung về quyền cơ bản của phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài, các tình huống, nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ khi đi làm việc ở nước ngoài...

Việt Nam hiện là quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, trong đó, tỷ lệ lao động nữ di cư đi làm việc ở nước ngoài chiếm con số khá lớn bên cạnh số phụ nữ cũng di cư vì các lý do hôn nhân, học tập… Trong nước, quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa đất nước cũng tạo những luồng di cư từ nông thôn ra thành thị, tới các khu công nghiệp với rất nhiều lao động nữ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng bảo vệ quyền lợi các dịch vụ xã hội cho người di cư, đặc biệt là di cư đi nước ngoài. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được Quốc hội thông qua năm 2006 kèm theo việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật. 

Chính phủ Việt Nam cũng tích cực hợp tác với chính phủ các nước tiếp nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động trong nước làm việc tại các nước này. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên tích cực của Ủy ban ASEAN trong thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của người lao động di cư, tích cực cùng các nước ASEAN tham gia soạn thảo văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, trong đó có phụ nữ. Luật Quốc tịch cũng đã được sửa đổi nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi về quốc tịch và công dân cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài, tăng cường thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, phòng tránh rủi ro liên quan cho người di cư trong và ngoài nước.
Theo nhandan.org.vn